Chúng ta phải thừa nhận rằng dân khối A là “chúa lười.” Tôi cũng không ngoại lệ, phải nói là lười “chảy thây” ra đấy. Lười như thế thì học Tiếng Anh cái nỗi gì? Đến bao giờ mới giỏi được? Liệu dân khối A có thể giỏi Tiếng Anh được không? Tại sao dân khối A phải thua dân khối D môn Tiếng Anh? Liệu dân khối A có “qua mặt” dân khối D về môn Tiếng Anh không? Đó là những câu hỏi luôn “lai vãng” trong đầu khi Tôi còn là sinh viên năm 1, thời mà trình độ Tiếng Anh của Tôi chỉ đang ở mức “siêu gà” nếu không muốn nói là “mù.” Bài viết sau là kinh nghiệm học Tiếng Anh của Tôi không những giúp ích cho các bạn mất căn bản mà nó còn mở ra hướng đi tích cực cho những ai mới bắt đầu học Tiếng Anh trong việc trau dồi kỹ năng Tiếng Anh của mình. Nếu muốn nhận lời tư vấn học Tiếng Anh hiệu quả, vui lòng để lại email bên dưới. Bài không thể bỏ qua:1.
Bài giải chi tiết môn Anh thi TN THPT 2014.
2.
Bài giải chi tiết môn Anh thi TSĐH Khối A1-2014.
3.
Bài giải chi tiết môn Anh thi TSĐH Khối D-2014.
4.
Bài giải chi tiết môn Anh thi Cao Đẳng Khối A1&D-2014.
5.
Bài giải chi tiết môn Anh thi HSGQG 2014.
6.
Bài giải chi tiết môn Anh thi HSGQG 2013.
7.
Tổng hợp chuyên đề luyện thi đại học & HSG.
******************************************************
Bước chân vào giảng đường Đại Học (Tôi học ngành chẳng liên quan gì đến Tiếng Anh cả), cũng là lúc bao lo toan gánh nặng lại một lần nữa dồn lên gia đình của Tôi sau 12 năm đèn sách. Ý thức được điều đó, Tôi bắt đầu tự lập ngay còn là một sinh viên năm 1 ở đất Sài Thành bằng công việc của một gia sư để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chi phí học tập. Tôi tìm được rất nhiều lớp dạy, nhưng có những lớp kèm theo môn Tiếng Anh, mà nếu bỏ thì phụ huynh không chịu, hơn nữa tiền thù lao rất cao, thế là Tôi đánh bạo nhận đại. Tôi nghĩ đây là cơ hội để mình rèn giũa kỹ năng Tiếng Anh mà không phải mất nhiều công sức mà lại có lương nữa, hơn nữa, yêu cầu của phụ huynh không cao lắm, chỉ ở mức tốt nghiệp nên Tôi cũng an tâm. Thế là Tôi đã bén duyên và yêu môn Tiếng Anh từ đó, yêu hơn cả môn Toán, môn sở trường của Tôi. Trong quá trình dạy, Tôi học được từ học sinh của mình rất nhiều điều hay và bổ ích. Ngoài việc đi dạy, Tôi cũng tìm cho mình vài lớp học Tiếng Anh không những để nâng cao kiến thức cho việc dạy hiện tại mà còn trang bị cho bản thân hành trang sẵn sàng để có thể hòa nhập xã hội ngay khi tốt nghiệp Đại Học.
Thời gian đầu học 2 lớp ở trung tâm Đại Học Sư Phạm Tp.HCM (học 2 lớp Tôi trốn học phí được 1 lớp, vì nghèo quá nên làm liều :)) nhưng Tôi thấy không hiệu quả, trình độ Tiếng Anh của Tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Không phải do giáo viên dạy không tốt, mà lỗi là do chính Tôi bởi bản chất lười nó luôn đeo bám khó mà dứt được. Đi học thì chép bài đầy đủ nhưng về nhà chẳng bao giờ nhìn lại, bài tập "Nghe" thầy cô giao cũng không hoàn thành, vô lớp thì mượn vở bạn chép để đối phó. Nhận ra không những mình đang tự lừa dối bản thân mà còn lãng phí tiền bạc vô ích. Tôi quyết định nghỉ học ở trung tâm để ra kế hoạch tự học nhằm "đánh bại" tật lười của mình. Ý thức được việc tự học làm cho bản thân mình rất thoải mái, không áp lực, và cũng không bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khác như: giáo viên, thời gian, không gian..., mà đôi khi còn mang lại kết quả thưc tế nữa bởi mình có thể học mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào hứng mà không phải lo lắng gì cả.
Là dân khối A, tôi tâm niệm việc học Tiếng Anh chỉ để phòng khi sử dụng đến; tuy nhiên, Tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh trong thời kì hội nhập, nhất là ở cái thời "Nhất Thân, Nhì Thế, Tam Tiền" đang thống trị mối quan hệ xã hội thì chỉ có con đường học vấn mới giúp Tôi thoát nghèo và có chỗ đứng trong xã hội mà thôi bởi "Thân, Thế, và Tiền" Tôi đều không có. Ý thức được điều đó, Tôi bắt đầu vạch ra cho mình một kế hoạch tự học Tiếng Anh với mục tiêu phải giỏi bằng được, tất nhiên đây là “kế hoạch lười.” Tại sao Tôi lại gọi nó là “kế hoạch lười?” Bởi Tôi biết bản chất mình đã lười sẵn rồi, mà đa phần dân khối A ai cũng giống ai, lười là “căn bệnh” chung và là “căn bệnh” kinh niên khó mà “chữa” được. Bởi nếu Tôi siêng thì Tôi đã là dân khối D hay C rồi. Vì thế “kế hoạch lười” của Tôi là học Tiếng Anh theo kiểu “tùy hứng”, tức lúc nào thấy hứng lên thì vác sách ra học mà không có thời gian cụ thể, không hứng thì vứt xó; tuy nhiên, "một khi học thì phải học nghiêm túc và chắc rằng phải hiệu quả." Tôi tâm niệm như thế.
Tôi bắt đầu lang thang lên mạng, nướng phần lớn thời gian của mình vào chát chít, nhưng Tôi lại vào những forums nước ngoài để tập nói Tiếng Anh. Ở đây, Tôi học được rất nhiều từ bạn chat, từ cách nói chuyện đến cách viết Tiếng Anh của những người ở những quốc gia khác nhau, chẳng hạn như: ASL plz là Age, Sex, Location please, cái mà trước đây Tôi không bao giờ biết được. Tôi chỉ tận dụng thời gian rãnh của mình để nói chuyện với người nước ngoài nhằm trau dồi vốn Tiếng Anh vốn rất khiêm tốn của mình. Tôi chỉ tham gia chat thôi chứ voice chat thì Tôi chịu, bởi có nói được đâu mà voice chat.
Thấy người ta nói Tiếng Anh lưu loát mà Tôi thấy ức chế, vì thế, kế hoạch của Tôi là phải tìm cho được một môi trường luyện nói Tiếng Anh để tập phản xạ, còn vấn đề Nghe, Đọc, Viết thì tự luyện ở nhà cũng được, và tất nhiên những việc này cũng nằm trong “kế hoạch lười” của Tôi bởi cách học của Tôi chẳng giống ai, Tôi học tùy hứng nhưng luôn có mục tiêu cuối cùng là phải sử dụng được Tiếng Anh chứ không phải học để lấy bằng này bằng kia treo trong nhà nhằm “lòe” người khác.
Ngữ pháp:
Tôi lang thang ra nhà sách Nguyễn Văn Cừ, “sắm” cho mình ngay quyển Cliffs Toefl của Michael A. Pyle (đơn ngữ nhé) bởi Tôi biết có học ngữ pháp ở đâu đi chăng nữa thì nó cũng nằm gọn trong quyển Toefl rồi. Tôi chọn quyển Toefl đơn ngữ là để nâng cao khả năng Anh ngữ của mình hơn nữa, chính vì ý thức được điều đó nên Tôi mới thành công. Về nhà lâu lâu hứng lấy ra đọc, lúc thì đọc 15 phút, lúc thì 1 tiếng, lúc thì 5 tiếng, nói chung là tùy hứng, hoàn toàn không có thời gian cố định. Chán thì Tôi nghe nhạc (toàn nghe nhạc Việt ^_^) hoặc đi đánh bida (môn thể thao ưa thích của Tôi ^_^). Tôi học mọi lúc mọi nơi, đi đâu cũng kè kè quyển Toefl bên cạnh (cái này không phải siêng nha, chỉ là mang theo để phòng khi hứng thì mang ra đọc thôi, nói thật có lúc mang theo cho có lệ thôi chứ cũng chẳng thèm đọc đâu). Nói chung có ngày hứng nhiều thì đọc nhiều, có ngày chán thì chẳng thèm "rờ" chữ nào, cứ thế 1 tháng là Tôi đã “gặm” trọn quyển Toefl. Tôi học nó bằng cách nào? Tôi dùng một quyển sổ nhỏ để ghi chép lại những gì cần nhớ. Ví dụ: Trong Tiếng Anh có tổng cộng 13 thì (đa số chúng ta chỉ biết có 12 thì, tuy nhiên còn 1 thì chúng ta hầu như không sử dụng, các bạn tự tìm hiểu nhá ^_^), mỗi thì Tôi viết một trang bằng hai màu mực khác nhau. Trong một thì, Tôi thường tóm gọn như sau: Tên thì, cấu trúc thì, cách dùng thì, từ nhận biết thì, và cuối cùng là ví dụ. Tôi đưa ra rất nhiều ví dụ nếu thấy trang còn nhiều chỗ trống. Cứ như thế, mỗi khi cần dùng tới, Tôi mở ra xem rất nhanh, nó giúp Tôi nhớ lâu.
Đọc đến đây, Tôi chắc rằng phần lớn trong số các bạn sẽ nghĩ rằng Tôi siêng thì đúng hơn chứ lười thế nào mà lười. Bởi lười mà "gặm" quyển Toefl trong vòng một tháng, lười mà đi đâu cũng kè kè quyển Toefl bên cạnh. Xin thưa với bạn đọc rằng, thật sự Tôi rất lười. Còn vì sao Tôi lại "gặm" quyển Toefl trong vòng 1 tháng hay đi đâu cũng mang theo nó thì đó là do Tôi thích và đam mê Tiếng Anh (tuy Tôi là dân khối A). Không phải ai giỏi Tiếng Anh mới gọi là đam mê Tiếng Anh đâu, như Tôi đây, trình độ "siêu gà" cũng đam mê được vậy. Bạn nên nhớ rằng: "đam mê" hoàn toàn khác với "siêng năng" nhé. Khi bạn đam mê cái gì thì chắc chắn một điều là bằng mọi giá bạn phải đạt được điều đó (có ngày Tôi đọc 20 trang Tiếng Anh, 9-10 bài báo bằng Tiếng Anh, nhưng có ngày chẳng đọc bài nào do lười :), và điều đó chắc chắn thuộc về bạn mãi mãi. Vì đam mê Tiếng Anh mà Tôi tự nghiên cứu và tự học Tiếng Anh. Vì đam mê Tiếng Anh nên Tôi đã mày mò, giao lưu, học hỏi bạn bè bốn phương để tự thiết kế trang web Yêu Tiếng Anh này nhằm chia sẻ kinh nghiệm học Tiếng Anh cho bạn đọc. Ngay cả tiêu đề trang web cũng đã nói lên niềm đam mê của Tôi rồi. Bởi Tôi nghĩ chỉ có tự mình nghiên cứu và tìm tòi mới giúp mình tiến bộ nhanh chóng mà thôi. Nói về "siêng năng" - Siêng năng hoàn toàn không giúp bạn giỏi được, nếu bạn thật sự siêng năng có nghĩa rằng những kiến thức bạn học chưa chắc thuộc về bạn hay tồn tại mãi mãi cùng bạn, nói cách khác, nó sẽ phai dần theo năm tháng. Chính vì thế, ông cha ta có câu: "cần cù bù khả năng" là hoàn toàn chính xác. Bạn cứ mãi siêng năng như con ong chăm chỉ thì chẳng bao giờ giải quyết được chuyện gì cả.
Nghe + Đọc + Viết
3 kỹ năng này Tôi gộp lại học một lần. Tài liệu của Tôi đơn giản chỉ là 3 trang web:
Mỗi lần lên mạng, Tôi đều ghé 3 trang này để đọc và nghe tin tức mặc dù nghe như vịt nghe sấm nhưng Tôi vẫn cứ nghe (việc này bạn phải kiên nhẫn vì dần dần nó tập cho chúng ta làm quen với giọng người bản xứ). Cách học nghe này là của người bản xứ (còn BGD ta thì dạy ngược qui trình). Tôi đọc và nghe tin tức bằng Tiếng Anh một phần là để nắm bắt tình hình thời sự thế giới nhằm mở mang hiểu biết, một phần là nhằm trau dồi khả năng Anh ngữ của mình. Trong quá trình nghe, biết được từ nào, ghi xuống từ đó, không biết thì cứ nghe, nghe chán thì nghe cái khác. Tôi cũng không quên tận dụng thời gian này để “lảm nhảm” theo cách nói của người bản xứ như: lên giọng, xuống giọng, khi nào dừng, nối âm... Một điều lạ là Tôi không thích nghe nhạc Tiếng Anh bởi giai điệu của nó không phù hợp với sở thích của mình nên Tôi không chọn cách học nghe bằng cách nghe nhạc (có thể sở thích của Tôi khác bạn). Nhưng, Tôi cũng khuyến khích các bạn, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện học nghe bằng cách nghe nhạc Tiếng Anh, chẳng giải quyết được gì đâu bởi cách học nghe kiểu này chỉ là học theo phong trào. Thực tế: Nếu bạn nghe được một bài hát (Tôi dám chắc là vì bạn thích và tìm hiều bài hát ấy nên mới nghe được) chưa chắc bạn nghe được bài diễn văn của Tổng Thống Obama; ngược lại, nếu bạn nghe hiểu được bài diễn văn của Ông Obama thì chắc bạn sẽ nghe hiểu được bài hát. Trở lại việc "cày" nghe, dần dần Tôi quen giọng người bản xứ, Tôi bắt đầu vào 2 chương trình dạy nghe trong BBC và VOA để “cày” tiếp (cũng tùy hứng thôi chứ không phải cày như trâu nhé.) Kết quả là Tôi có thể nghe hiểu toàn bộ bài phát biểu của Tổng Thống Bush, xem phim Mỹ không cần phụ đề…
Còn đọc và viết thì Tôi chọn cho mình một quyển sổ khác để ghi chép. Khi nghe chán thì Tôi chuyển sang đọc báo bằng Tiếng Anh (cái này Tôi cực kì thích). Tôi thường đọc to chứ không đọc thầm bởi đọc to nó giúp cho Tôi cải thiện kỹ năng nói và phát âm. Trong quá trình đọc, Tôi luôn chú ý văn phong viết của họ (Anh lẫn Mỹ). Nhiều câu họ viết rất hay (điều này chắc chắn bạn không thể học được ở trường hay trung tâm). Với những cấu trúc hay đó cộng với vốn ngữ pháp đã được tích lũy của mình, Tôi cẩn thận ghi chép lại và tự đặt thêm vài câu tương tự để nhớ cách dùng. Trong quá trình đọc, có từ nào không hiểu, Tôi highlight từ đó và đọc cho hết bài báo (chú ý: đừng dừng lại để tra từ điển nhá, vì nó sẽ làm cho bạn mất hứng và giảm kỹ năng đọc.) Sau đó Tôi quay lại , dùng từ điển Oxford Advanced Learner Dictionary (cũng đơn ngữ nhá) để tra cứu những từ mà mình highlight trước đó. Tôi dùng Flashcards để ghi chép từ mới ở mặt trước kèm “họ hàng nhà nó” tức nếu Tôi có động từ là "authorize" thì Tôi tìm danh từ, tính từ, trạng từ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa của nó. Còn mặt sau thì Tôi ghi nghĩa bằng Tiếng Anh. Học như thế, khả năng Tiếng Anh của Tôi lên nhanh như “diều gặp gió.”
Tôi muốn nhấn mạnh với bạn đọc về lợi ích của việc đọc báo bằng Tiếng Anh rằng nó giúp cải thiện vốn từ vựng của bạn một cách đáng kể ở tất cả các lĩnh vực như: Chính Trị, Kinh Tế, Văn Hóa, Giáo Dục, Khoa Học, Giải Trí, Tôn Giáo... điều mà chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có được khi bạn chỉ học ở nhà trường, trung tâm, hay chỉ chăm chăm vào một quyển sách Tiếng Anh nào đó. Từ vốn từ vựng đa dạng đó, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc cải thiện kỹ năng nói và viết của mình. Ngoài việc đọc báo bằng Tiếng Anh, bạn đọc cũng có thể chọn cho mình một quyển tiểu thuyết Tiếng Anh nào đó để "gối đầu giường", hi vọng một ngày nào đó, kỹ năng đọc và viết của bạn sẽ tiến bộ nhanh chóng.
Nói
Tôi phải tìm cho mình đối tượng để tập nói thôi, bởi "nói" là đầu ra cho những gì mình đã học, tức phải thực hành nói thì kiến thức mình học mới nhớ lâu được. Nói là làm, Tôi tìm đến nhà văn hóa thanh niên tham gia câu lạc bộ nói Tiếng Anh vào mỗi cuối tuần, tức chủ nhật. Ngoài ra Tôi cũng có tham gia vài lớp học nói ở đây bởi chi phí rất "sinh viên" nhưng hiệu quả cũng đáng kể lắm. Rãnh, Tôi chạy ra Phạm Ngũ Lão hoặc Đề Thám tìm Tây Ba Lô nói chuyện, rất vui nhé, mình không mất gì mà được nhiều lắm, hơn nữa Tây Ba Lô nó còn cho rằng người Việt mình thân thiện và hiếu khách, cứ thế luyện được một thời gian, Tôi đã tự tin nói chuyện với người bản xứ một cách tự nhiên mà không bối rối chút nào cả.
Cũng nói thêm, trong quá trình học Tiếng Anh ở trường ĐH Sư Phạm Tp.HCM, tình cờ lang thang sang khoa Anh, Tôi thấy bảng thông báo thời khóa biểu lớp Sư Phạm Anh năm 3, môn nói – môn này do một giáo viên người Úc đảm nhiệm. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội vàng để mình luyện nói rồi. Tôi theo chỉ dẫn của thời khóa biểu vào đúng lớp 3h chiều ngày hôm đó. Điều đầu tiên làm Tôi ngạc nhiên nhất là 1 lớp Tiếng Anh chỉ có vỏn vẹn 30 sinh viên, không giống như mấy trường ĐH khác, một lớp có thể lên đến 200 sinh viên. Ban đầu, Tôi cũng hơi lo, nhưng Tôi vẫn đánh bạo vào học thử xem sao. Vào lớp lúc sinh viên còn đang lao nhao, giảng viên chưa có mặt, Tôi chọn một góc cuối lớp ngồi cho an toàn. 5 phút sau, một bà giáo người Úc với “thân hình đồ sộ” tiến vào, cả lớp đứng dậy chào. Sau màn chào cô, cô bắt đầu đưa mắt quan sát cả lớp như muốn điểm danh. Khi mắt cô dừng lại ngay chỗ Tôi ngồi, Tôi cảm nhận có điều chẳng lành xảy ra. Cô gọi Tôi đứng dậy và hỏi tên Tôi, học lớp nào? Bảo, lớp Toán – Tôi đáp. Sau đó cô nói chuyên với lớp trưởng bla bla… mà Tôi chẳng hiểu gì cả (trình độ Tiếng Anh của Tôi đang ở mức “siêu gà” mà :D). Sau khi nói chuyện với lớp trưởng xong, mắt cô hướng về phía Tôi và phán: “you may get out now.” Tôi nghe đúng như in câu đó nhưng vẫn đứng như trời tròng bởi Tôi chẳng hiểu cô đang nói gì? Hiểu được việc gì đang xảy ra, lớp trưởng tiến lại gần và giải thích rằng cô không đồng ý cho Tôi ngồi trong lớp học này. Thế là Tôi lẳng lặng chào cô và ra khỏi lớp. Tôi biết Tôi thích Tiếng Anh nhưng không ai giúp Tôi, còn đi học trung tâm thì không có khả năng. Hơi tủi thân, nhưng đó cũng là lý do khiến Tôi phải hạ quyết tâm tự học Tiếng Anh cho bằng được.
Còn bây giờ thì sao? Bây giờ thì đã khác xưa rồi, Tôi có thể xem truyền hình Mỹ, xem phim Mỹ không cần phụ đề, đọc báo bằng Tiếng Anh như Tiếng Việt, viết Essay như làm “Tập làm văn,” nói chuyện với người bản xứ một cách tự nhiên, tự tin thuyết trình bằng Tiếng Anh. Tất cả những điều mà Tôi có được hoàn toàn là nhờ tự học mà không phải trải qua trung tâm này trung tâm nọ, và tất nhiên không tốn triệu này, triệu nọ. Phải nói, số tiến mà Tôi bỏ ra học Tiếng Anh chỉ bằng số tiền bạn uống café 1 tháng nhưng vẫn mang lại kết quả thiết thực.
Bạn có muốn vậy không? Tất cả những gì bạn cần là:
- Một quyển Toefl để “cày” ngữ pháp. (tầm 400K), hoặc bạn có thể tìm Ebook miễn phí trên mạng. Lưu ý: theo một số bạn phản hồi rằng họ đã "lục tung" nhiều nhà sách thì quyển này không còn xuất bản nữa và mình cũng không còn thấy có ebook của nó trên mạng, mình chỉ có bản "hard copy" mà thôi, nhưng mình có Ebook này khá hay, nó gần như y chang cái quyển Toefl Cliff mình đã từng học, tải tại đây nhé, một quyển khác tương tự có tên là Understanding and Using English Grammar, tải tại đây. Ngoài ra, các bạn có thể dùng bản Ebook IELTS Grammar Version 9 đơn ngữ của Cambridge mới xuất bản gần đây để học cũng được, mình đã xem qua, thấy cũng hay lắm, tải tại đây nha và một ebook ngữ pháp khác của Oxford cũng khá hay, tải tại đây. Hoặc bạn cũng có thể học ngữ pháp trực tiếp tại trang web này với nội dung và ví dụ phong phú được trình bày từ cơ bản đến nâng cao, xem tại đây nhé.
- Nếu không thích học đơn ngữ thì bạn cũng có thể tải file Ngữ pháp được giải thích bằng Tiếng Việt tại đây. Nhưng, mình chân thành khuyên các bạn nên học đơn ngữ vì nó giúp khả năng Tiếng Anh của các bạn tiến bộ nhanh chóng.
- Một xấp Flashcards để học từ vựng. (tầm 50K)
- 2 quyển sổ nhỏ (1 cho Ngữ Pháp, 1 cho Viết) (tầm 20K)
- Vài websites sau, bạn thích trang nào thì chọn trang ấy:
Vậy là đủ, bạn chỉ mất khoảng 700K tương đương số tiền cà phê cà pháo vài ngày của bạn đúng không nào, nhưng nó có thể mang lại tương lai sáng ngời cho bạn đấy. Hãy học Tiếng Anh theo thời gian và sở thích của bạn, lúc nào bạn cảm thấy thích thì học chứ đừng nhồi nhét quá mà bị phản ứng ngược, tuy nhiên phải đặt ra cho mình một mục tiêu cuối cùng rằng phải sử dụng được Tiếng Anh trong thực tế chứ đừng học để thi lấy bằng này bằng kia treo trong nhà nhằm "lòe" người khác trong khi đối diện với thực tế thì bạn lại "đứng hình", và như thế bạn đang tự lừa dối và lãng phí tiền bạc của mình mà thôi. Để giỏi Tiếng Anh không khó, chỉ cần bạn “yêu” nó, nó sẽ không “phụ” bạn. Chúc bạn thành công!
P/S: Tôi hi vọng những bạn đã hoặc đang có ý định học Tiếng Anh sẽ có thêm động lực để vượt qua "nỗi sợ hãi" Tiếng Anh. Nhân đây, Tôi cũng chân thành khuyên các bạn một câu: "Cho dù các bạn là ai, già hay trẻ, gái hay trai, làm nghề này nghề kia thì cũng nên BIẾT Tiếng Anh (không cần giỏi) để phòng khi "giang hồ" chém gió còn biết đường mà "đỡ". Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ nghĩ đến việc "Học Tiếng Anh cấp tốc hay Luyện Tiếng Anh cấp tốc" nhé. Học Tiếng Anh cần phải có thời gian đủ để tiếp nhận và xử lý thông tin từ từ qua việc cọ xát và tiếp xúc thường xuyên, có như thế nó mới mang lại hiệu quả thực sự cho bạn. Mời bạn đọc xem thêm các kinh nghiệm khác tại đây.