Đây là bài chia sẻ kinh nghiệm ôn thi Đại Học môn Anh khối D như thế nào để đạt hiệu quả nhất mà không phải “cày ngày cày đêm” của một bạn sinh viên Đại học Ngoại thương. Trong bài viết, Tôi có chỉnh sửa đôi chút phần văn phong cho thêm phần trang trọng, còn nội dung thì vẫn được giữ nguyên. Lời dẫn
Chào các em 96 chuẩn bị thi Đại học và các em khóa sau sẽ thi Đại học. Với mong muốn truyền tải và chia sẻ tới các em những kinh nghiệm, những mẹo học và ôn thi hiệu quả, đi vào trọng tâm để đạt được mục tiêu tốt nhất. Không phải cày ngày, cày đêm đến tận 2, 3h sáng, không phải chạy lò luyện thi này, chạy lớp học thêm kia suốt cả ngày mà hiệu quả chẳng đáng được bao. Vì vậy rất mong muốn các em hãy dành chút thời gian để đọc những chia sẻ, những kinh nghiệm của mình cũng như những người bạn của mình để có chút gì cho việc học tốt hơn. Mọi thứ chỉ là nền tảng, chưa chắc là sẽ phù hợp hết hoàn toàn nhưng mong muốn nó sẽ giúp các em tạo được chút gì đó trong việc xây dựng được cách học tốt nhất.
Nếu như khi ôn thi các môn Toán, Lý, Hóa thì anh chia sẻ với các em rằng: Không phải cứ "trâu bò" chăm chỉ là sẽ được thì với môn này thực sự anh phải nhấn mạnh với các em rằng: CỨ CHĂM CHỈ VÀ KIÊN NHẪN LÀ SẼ TỐT. Đương nhiên nếu các em thi IELTS, TOEIC, hay TOEFL thì nó lại là một chuyện khác, nhưng đây là chúng ta đang ôn thi ĐẠI HỌC nên cần phải biết rằng chúng ta NÊN học cái gì.
Dưới đây là tổng hợp chia sẻ những kinh nghiệm xương máu đến từ các "superman" đã đạt được điểm số gần như tối đa của môn này trong kì thi Đại học. Cùng đọc để tìm hiểu thêm nhé các em
Phần I - Luyện công
Trước hết cần nói rõ: Học Tiếng Anh (TA) là cả 1 quá trình mưa dầm thấm lâu. TA là ngôn ngữ nên không thể học sổi, học thuộc lòng. Có thể thấy TA là 1 môn cực hiếm thí sinh được điểm tuyệt đối dù là môn trắc nghiệm và có đáp án rõ ràng như các môn Toán, Lý, Hóa vì TA nói 1 cách đơn giản là ngôn ngữ, hơn nhau ở chỗ biết nhiều hay biết ít và sẽ ko bao giờ có thể đoán đề trước. Tuy nhiên, nếu như có nền tảng, tích lũy thì đương nhiên cái “biết “ đó sẽ giúp chiến thắng đến 80% rồi.
80% này phụ thuộc vào sự chăm chỉ, nỗ lực, bền bỉ còn 20% còn lại sẽ là năng khiếu + may mắn. Vì thế, theo chủ quan thì mình nghĩ những gì mình viết sau đây sẽ hợp hơn với những em 96 ĐÃ & ĐANG rất bền bỉ với môn Tiếng Anh hay những em 97 đang nung nấu dự định ôn thi trước khi vào lớp 12. Với mình, không có thứ gọi là “cấp tốc” đối với môn Tiếng Anh. Thế nên, các em đừng mong rằng cứ để đó rồi đến lúc còn 1, 2 tháng mới lao vào mấy lớp gọi là: "luyện thi cấp tốc, điểm cao trong tầm tay nhé…"
Ta cần nắm được cấu trúc đề thi của môn Tiếng Anh để có được chiến lược học tốt nhất, ưu tiên đầu tư phần nào nhất. Đề thi môn tiếng Anh có 80 câu, thông thường cấu trúc được phân bổ như sau:
1. Phần ngữ âm - 5 câu bao gồm các phần:
- Trọng âm từ (chính/phụ)
- Trường độ âm và phương phức phát âm.
2. Ngữ pháp, Từ vựng: 15 câu bao gồm:
- Danh từ/ động từ (thời và hợp thời) /đại từ/ tính từ / trạng từ/ từ nối/ v.v…
- Cấu trúc câu
- Phương thức cấu tạo từ/sử dụng từ (word choice/usage):
- Tổ hợp từ / cụm từ cố định / động từ hai thành phần (phrasal verb)
- Từ đồng nghĩa / dị nghĩa
3. Chức năng giao tiếp: 5 câu bao gồm:
- Từ / ngữ thể hiện chức năng giao tiếp đơn giản… (khuyến khích yếu tố văn hóa)
4. Kỹ năng đọc: 30 câu bao gồm:
- Điền từ vào chỗ trống:(sử dụng từ / ngữ; nghĩa ngữ pháp; nghĩa ngữ vựng); một bài text độ dài khoảng 200 từ. 10 câu
- Đọc lấy thông tin cụ thể/đại ý (đoán nghĩa từ mới; nghĩa ngữ cảnh; ví von; hoán dụ; ẩn dụ; tương phản; đồng nghĩa/dị nghĩa…) một bài text, độ dài khoảng 400 từ, chủ đề. 10 câu
- Đọc phân tích/đọc phê phán/tổng hợp/suy diễn; một bài text khoảng 400 từ. 10 câu
5. Kỹ năng viết: 15 câu bao gồm:
- Phát hiện lỗi cần sửa cho câu đúng (đặc biệt lỗi liên quan đến kỹ năng viết). 5 câu
- Viết gián tiếp. 10 câu
- Cụ thể các vấn đề kiểm tra viết có thể bao gồm:
- Loại câu.
- Câu cận nghĩa.
- Chấm câu.
- Tính cân đối.
- Hợp mệnh đề chính - phụ
- Tính nhất quán (mood, voice, speaker, position…)
- Tương phản.
- Hòa hợp chủ - vị - Sự mập mờ về nghĩa (do vị trí bổ ngữ…)
Vậy ta cần luyện công cho các phần như thế nào đây?
Theo đánh giá của bản thân mình thì: 3 dạng sau là những dạng chủ chốt của đề và thường khó nhất:
- Bài đọc hiểu (Reading comprehension);
- Bài văn chọn từ điền vào chỗ chấm (Cloze test);
- Bài chọn Đáp Án (ĐA) phù hợp với các câu đơn (Multiple choice).
Bởi vậy lời khuyên của mình dành cho các bạn: nên đầu tư thời gian học cho các phần này hơn phần khác. Ba dạng này thường chúng liên quan mật thiết đến nhau, do vậy mình khuyên các bạn nên luyện 3 dạng này cùng lúc hơn là khi học từng dạng một để tiết kiệm thời gian.
Nhớ lại thời gia ôn thi Đại Học, bạn bè đi học thêm hết còn mình chỉ ngồi nhà làm sách. Sáng thì làm bài tập (BT) chọn câu đơn, chiều thì làm BT bài đục lỗ (mình quen gọi bài tập điền vào chỗ chấm là thế, tối lại làm BT đọc hiểu. Mình quy định số bài mỗi ngày rồi làm nghiêm túc không dùng từ điển như đi thi thật, và hạn chế thời gian. Ví dụ: 1 bài đọc hiểu chỉ làm tối đa 10 phút. Sau đó thì đối chiếu đáp án, chấm bút đỏ ghi điểm rõ ràng và đánh dấu câu sai. Cuối cùng, quan trọng nhất ngồi dò lại từng câu để xem tại sao mình lại sai.
Một số chú ý mình khuyên các bạn nên nhớ
1. Nhớ tra kĩ từ mới, cấu trúc và nghiền ngẫm ý nghĩa của câu, đoạn, hay tìm ra điểm gì đó đặc biệt trong câu hỏi đọc hiểu chẳng hạn.
2. Ghi chú bên cạnh và ghi ra cả 1 quyển sổ để dễ học có hệ thống vì sẽ rất mất thời gian khi lục lại sách vở để tìm cấu trúc. Hồi đó mình chăm quyển sổ ghi chú rất kĩ như từ mới ghi mực xanh, cấu trúc mới ghi mực đỏ thỉnh thoảng vẽ vời nên mỗi khi học thấy rất hứng.Đặc biệt là cảm giác nhìn quyển sổ dày lên từng ngày rất “awesome”. (Nhớ là phải tra rõ ngọn ngành lỗi sai của mình nếu ko thì coi như công làm bài như công cốc vì nó sẽ trôi tuốt đi ngay lập tức. Ghi sổ rồi nhưng cũng nhớ là phải chăm chỉ xem lại không thì nó cũng trôi tuốt dù với tốc độ chậm hơn.
3. Có thể thấy việc làm nhiều BT chọn ĐA đơn sẽ bổ trợ rất tốt cho bài chọn từ điền vào chỗ chấm và cả bài đọc hiểu và ngược lại vì thực tế bài văn thì tạo nên từ những câu văn, và những câu văn được lấy ra từ bài văn. Nhiều hôm mình đã rất sướng khi làm 1 bài văn điền từ bắt gặp ngay cụm mà sáng vừa làm BT câu đơn bị sai, hay thỉnh thoảng gặp trong bài đọc hiểu vài cụm từ mà mình cóp nhặt được từ bài điền từ vì thấy nó hay. Hơn nữa, bài đọc hiểu thi ĐH sẽ rất khó chứ không phải như bài hồi cấp 2 đọc câu hỏi rồi thấy nguyên câu trả lời trong bài mẫu. Hơn nữa, thời gian bài thi khá ngắn nên làm nhiều sẽ giúp kĩ năng làm bài đọc lên về tốc độ đọc, khả năng phán đoán, khả năng làm chủ thời gian. ( Hãy thử tưởng tượng lần đầu tiên bạn đọc bài đọc hiểu Tiếng Anh mất rất nhiều thời gian chưa kể đến làm cả câu hỏi phía dưới nhưng dần dần sẽ thấy nhẹ nhàng hơn).
4. Nhớ luyện theo cấp độ từ dễ đến khó nhé. Sau khi làm bài đọc, chọn 1 số từ mới chủ chốt và ghi nghĩa ra. Đừng ghi hết vì nó không cần thiết và chắc chắn là bạn cũng sẽ không đọc lại nó đâu. Kiên trì học theo phương pháp này sẽ thấy vốn từ cũng như kĩ năng của bạn lên rất nhanh.
Về phần trọng âm mình có lưu ý cho các bạn
Tìm trọng âm là một trong những nội dung thi mà thí sinh thường phạm lỗi. Để ôn tập tốt cho phần này, ngoài việc chú trọng phát âm đúng tất cả các từ mới ngay từ đầu bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần theo mẫu, ta cần chú ý đến hệ thống dấu nhấn của các từ có từ hai âm tiết trở lên.
Các từ trong tiếng Anh có thể chia làm hai loại, một loại có dấu nhấn không có quy luật, cần phải thuộc lòng. Tuy nhiên, rất may mắn là trong TA có một số quy luật nhấn phổ biến liên quan đến các suffix (phần gắn thêm ở cuối từ để tạo ra từ mới). Vì vậy, cách ôn tập tốt nhất cho phần này là kết hợp với việc ôn tập từ vựng.
Hai phần: Đọc hiểu và Viết
Những phần này không dễ cho bạn có trình độ trung bình. Bài đọc trong phần đọc hiểu môn Anh văn trong kỳ thi ĐH thường có độ dài 200-250 từ, xoay quanh các đề tài thông thường liên quan đến khoa học kỹ thuật, y học, sức khỏe, môi trường tự nhiên và xã hội, văn hóa, giáo dục, kinh tế, đôi khi có cả các vấn đề thời sự và chính trị nữa.
Để làm tốt phần đọc hiểu, các bạn không chỉ cần nắm vững kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) mà còn cần có kiến thức xã hội tổng quát. Một kinh nghiệm tốt khi ôn thi là chú trọng đọc về những sự kiện đang diễn ra xung quanh và chuẩn bị đọc về những đề tài tương tự.
Những quyển sách kĩ năng mà mình dùng
- 272 bài trắc nghiệm Tiếng Anh ôn thi Đại Học (Mutiple choice cloze Test ) - Vĩnh Bá (bìa màu xanh lá cây).
- Hướng dẫn ôn tập và làm bài thi Tiếng Anh lớp 12: Quyển này tái bản rất nhiều lần với nhiều màu bìa, Thầy viết từ lâu nên hơi cũ có cả phần tự luận, dịch xuôi ngược nhưng vẫn rất hay. Quyển này mình chỉ làm phần Multiple choice câu đơn thôi.
- Chuyên đề trắc nghiệm kĩ năng đọc hiểu (English Reading Comprehension Skills): Quyển này cũng tạm ổn dù mấy bài đọc đầu hơi chán nhưng làm hết cả quyển với thái độ nghiêm túc thì rất ổn.
- Câu hỏi Chuyên đề trắc nghiệm từ vựng Tiếng Anh: Quyển này cũng hay, nhưng từ nhiều và hơi khó.
- Nhìn 4 quyển hơi dày nhưng cố làm hết nhé, đặc biệt nên tận dụng mùa hè khi bài vở các môn phụ chưa có.
- Ngoài ra thì cũng làm thêm cả những kĩ năng khác như chọn lỗi, đồng nghĩa, trái nghĩa... và nên làm “học sinh ngoan” đó là hoàn tất hết bài tập thầy cô giáo trong trường giao cho.
Phần II - Luyện chưởng
Giai đoạn luyện đề tốt nhất theo mình đó là khoảng thời gian còn 3 tháng trước khi thi.
Sau khi luyện các kĩ năng riêng giờ đến lúc vận dụng. Làm càng nhiều càng tốt. Đông Tây kim cổ, Nam Bắc tất cả các đề thi thử của các trường. Hồi đó mình mua các sách đề thi và tải đề trên mạng ở violet.vn. Cá nhân mình thấy đề TA trên mạng và đặc biệt là đề của các Trường Chuyên hay và khó hơn so với trường thường. Do vậy, hồi đó mình download rất nhiều đề của các trường chuyên có tiếng và làm kết hợp với sách coi như thỉnh thoảng đổi khẩu vị.
Trong quá trình làm, vẫn theo nguyên tắc cũ: không từ điển, thái độ nghiêm túc và nhất định chỉ làm trong 60 phút, có xem lại tử tế sau đó so đáp án, chấm điểm cẩn thận ghi điểm rõ ràng. Để nhảy tâng lên khi điểm cao hay gào rú hoang mang khi điểm thấp. Sau mỗi đề thi, lại ngồi tra lại lỗi sai rõ ràng để rút kinh nghiệm như làm ở giai đoạn trước. Phải tra lỗi sai cẩn thận Đề vừa làm rồi mới chuyển sang đề mới. Đừng ham số lượng mà bỏ qua chất lượng nhé. Khi thấy yếu 1 kĩ năng nào đó có thể kết hợp làm thêm sách kĩ năng.
Hơi ngoài lề 1 tí, nhưng với mình, khi làm 1 đề Tiếng Anh mình luôn cố gắng làm trong 1 điều kiện tốt nhất. Ví dụ khi đầu óc minh mẫn, bấm giờ đầy đủ, chuông điện thoại tắt. Mình thấy bạn mình nhiều đứa hay mang đề lên lớp khoanh trong giờ học, hay giờ ra chơi hay vừa chém gió vừa khoanh, như thế rất phí 1 cái đề hay và sẽ khiến bản thân khó đánh giá được tình trạng. Nhiều hôm đặt mục tiêu tối phải làm được 1 đề nhưng vì mệt hay đầu óc không được tỉnh táo nên chuyển hướng chỉ làm bài đọc hay sách kĩ năng. Có 1 việc trước khi làm đề mình luôn làm đó là nhắc nhở bản thân là mục tiêu được mấy điểm và chỉ được sai bao nhiêu câu. Như thế, dù sao cũng có cái gì gọi là định hướng và có động lực hơn. Khi làm xong, chấm điểm và đếm số câu sai để xem chệch mục tiêu không. Sẽ vô cùng đau lòng và đau lòng hơn khi có 1 số câu biết mà vẫn sai/ nhìn nhầm/khoanh nhầm ...Theo mình gọi đó là sai ngu và sẽ cộng thêm số câu sai ngu vào điểm an ủi để nhắc nhở bản thân không được sai như thế nữa.
Một số tài liệu mình hay dùng
- Tài liệu ôn thi đại học TA- Vĩnh BÁ
- Giải tốt 25 đề thi môn TA theo cấu trúc của BGD- Nguyễn Thị Hồng Nhung, PhD Hoàng Thị Lệ M.A (bìa có hình mũi tên vàng cam)
- Bộ đề thi trắc nghiệm khách quan Tiếng Anh- Hoàng Thị Lệ M.A (bìa xanh da trời)
- Nguồn đề vô cùng phong phú và vô tận trên internet đặc biệt là trên violet.vn
Hồi mình học đề TA cũng chỉ có vài quyển như kia thôi. Bây giờ có lẽ nguồn sách đã phong phú hơn rất nhiều. Nhưng cần đọc kĩ sách trước khi mua vì có 1 số quyển viết rất chán và đề không sát đặc biệt là phần bài đọc hiểu. Tránh tình trạng thấy bạn bè mua nhiều sách quá nên cũng hoang mang xong thành ra chất đống mà ko dùng hết nhé.
Phần III - Chiến đấu
Có một điều thú vị là có một số bạn kiến thức rất tốt nhưng nhiều khi đi thi điểm lại không được cao bằng một số bạn học khá. Vậy nguyên nhân là tại sao vậy? Nên nhớ rằng đề thi chỉ có 90' và ta phải giải quyết đến 80 câu trắc nghiệm. Nghĩa là trung bình mỗi câu ta chỉ được phép sử dụng hơn 1 phút để giải quyết xong câu ấy. Và đương nhiên mức độ khó mỗi câu cũng không phải là giống nhau. Có câu ta chỉ nhìn cái là chọn được đáp án luôn nhưng có câu thì thậm chí mất gần 10 phút cũng chẳng làm được trong khi điểm của hai câu khó-dễ bằng nhau. Vậy nên ta cần phải biết chọn “món ngon” mà ăn trước nhé.
Ta cần xác định câu hỏi bẫy của đề thi
Thông thường trong bài thi thường xuất hiện 5-8 câu hỏi bẫy chiếm tỉ lệ 8-10% số lượng câu hỏi trong bài thi. Câu hỏi của bài thi không đơn giản như vẻ ngoài của nó, các câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải tư duy và trang bị tốt cho mình kiến thức để làm bài. Các câu hỏi bẫy chủ yếu nằm ở phần cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai. Nó thường là các câu hỏi mẹo và gây nhầm lẫn cho các thí sinh trong quá trình làm bài. Trên thực tế, các câu hỏi này không khó nhưng lại gây sự nghi ngại cho các thí sinh khi lựa chọn đáp án đúng. Vì vậy, nếu gặp một câu có sự nghi ngại khi chọn đáp án, mình khuyên các bạn nên bỏ qua và đánh dấu câu đó kèm theo những đám án mình đang băn khoăn vào, khi giải quyết được các câu hỏi "ngon" kia thì ta sẽ quay trở lại làm, tránh làm mất thời gian nhiều vào những câu hỏi đó.
Làm thế nào để “chiến” gọn bài Đọc hiểu
Đề thi Tiếng Anh thường có từ 1 đến 2 bài đọc hiểu, chiếm tỷ lệ điểm từ 20-30% tổng điểm toàn bài. Do đó, để tránh bị mất điểm oan, mình có vài lời khuyên đến cho các bạn:
- Đừng cố tìm hiểu chi tiết nội dung của bài viết thay vì cần hiểu ý chính, thông tin câu hỏi có sẵn trong bài hoặc những đáp án lựa chọn cho sẵn. Ta lấy thông tin ta CẦN chứ không phải lấy thông tin ta CÓ.
- Không được dành quá nhiều thời gian cho tìm hiểu, phán đoán ý nghĩa của từ vựng thay vì hiểu ý chính của câu và của đoạn để tìm ra ngay đáp án phù hợp.
- Nên lựa chọn câu hỏi và đáp án phù hợp với nội dung để hoàn thành, không nhất thiết phải làm theo thứ tự câu hỏi.
- Tuyệt đối không được đọc lướt ý của câu hỏi mà không chú trọng vào nghĩa phủ định của các từ, dẫn đến việc hiểu nhầm nội dung câu hỏi. Những dạng câu hỏi này hay xuất hiện phần phủ định ở cuối câu dùng với liên từ.
- Một điều nữa mình muốn chia sẻ thêm: khi làm đề trong sách, nếu không thấy hay thì cũng đừng cố quá hoặc chỉ tập trung vào phần hay của sách thôi để tiết kiệm thời gian. VD như quyển 4 cloze test cũng ổn nhưng bài đọc rất dễ hay quyển 2 phần multiple choice rất hay.....hãy là người “tiêu dùng” thông thái nhé.
Tóm lại mấy cái đoạn dài dài trên kia được quy cho cùng một công thức chung là: Làm bài nghiêm túc => Xem kĩ lại lỗi sai => Ghi chép đầy đủ => Cuối cùng là học bài. Thế thôi :))
Cái này mình nghĩ chắc ai cũng biết và cũng không có gì mới mẻ. Nhưng để thực hiện cái công thức kia cũng không hề dễ bởi sẽ cần rất nhiều sự kiên trì, bền bỉ để duy trì nó DAY BY DAY. Sẽ có lúc bạn thấy mình bị down, chán nản, mệt mỏi và cả sợ hãi muốn buông xuôi tất cả. Thế nên hãy chuẩn bị 1 tâm lý thật vững vàng, 1 trái tim đầy nhiệt huyết và cả sự tin tưởng vào bản thân để học TA thật tốt nhé. Mỗi lúc bạn bị down thì hãy đặt tay lên trái tim và tự nhủ:” Mọi chuyện sẽ ổn thôi” nhé. Mời bạn đọc xem thêm các kinh nghiệm khác tại đây. Chúc các em thành công nhé!
NHỚ BẤM LIKE BÊN TAY TRÁI MÀN HÌNH ĐỂ CHIA SẺ CHO BẠN BÈ NHÉ.
Should you have any further confidential concerns and questions, or you would like to share your threads and experience as well to our page's readers, don't hesitate to reach me via tuankiet153@gmail.com.
Many Thanks!