Friday, March 21, 2014

4 đặc điểm khó của phát âm tiếng Anh đối với người Việt

 4 đặc điểm khó của phát âm tiếng Anh đối với người Việt
GD&TĐ - 4 đặc điểm khó tiếp của phát âm tiếng Anh đối với người Việt, bao gồm: âm gió (voiceless consonants), âm cuối (ending sounds), nối âm (linking sounds) và ngữ điệu (intonation).
1. Âm gió – Voiceless consonants
Trong tiếng Anh, có tất cả 8 phụ âm được xếp vào nhóm âm gió. Bạn có thể xem từng âm một tại đây: http://www.bbc.co.uk/worldservice/learningenglish/grammar/pron/sounds/con_voiceless_1.shtml
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm nổi bật nhất của những âm này là sự xuất hiện của luồng hơi có thể làm lay động một tờ giấy nếu để trước miệng khi phát âm. Nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng đây là một trong những thử thách khó nhất khi phát âm tiếng Anh.
Trong tiếng Việt, chúng ta cũng gần như có đủ các phụ âm “p”, “t”, “ch”, “th”, “k” nhưng không hề có kiểu bật hơi như thế. Nên đa phần chúng ta khi nói tiếng Anh sẽ phát âm chúng theo “giọng Việt Nam” nếu như không luyện tập cẩn thận.
Để luyện phát âm chuẩn những voiceless consonants này thì hiển nhiên nghe là bước đầu tiên bởi phải biết nó được phát âm như thế nào thì mới có thể bắt chước theo được.
Bạn không cần quan trọng lắm nội dung sẽ nghe, mà chỉ cần chú ý nhận dạng những voiceless consonants này. Sẽ phải mất 1 thời gian để tai bạn quen với những “âm lạ” này.
Trong khi nghe, hãy tập phát âm bắt chước cách người bản ngữ nói. Đặc biệt lưu ý khi âm gió nằm cuối và đóng vai trò “ending sounds” (mình sẽ nói kỹ hơn ở phần tiếp theo).
Lưu ý thứ 2 là khi phát âm động từ thời quá khứ hay danh từ số nhiều nếu nó kết thúc bằng “voiceless consonants”.
2. Âm cuối – Ending sounds
Thiếu âm cuối là lỗi phổ biến nhất của người Việt học tiếng Anh. Nhưng nguy hại hơn ở chỗ nhiều người dù biết mình thiếu âm cuối mà vẫn không biết phải sửa như thế nào.
Vì vậy, trước khi chia sẻ 1 vài phương pháp rèn luyện, mình xin kể lể một chút dẫn cứ “lịch sử” để hiểu rõ hơn nguồn gốc của lỗi này.
Trong tiếng Việt, một từ chỉ bao gồm một phụ âm và nguyên âm, đây chính là khác biệt lớn nhất so với tiếng Anh, khi một từ có thể chứa nhiều phụ âm.
Trong tiếng Việt, từng nguyên âm được đọc rõ nhưng ở phát âm tiếng Anh, phụ âm đóng vai trò chủ đạo còn nguyên âm chỉ được phát âm rõ khi được nhấn trọng âm.
Cứ thế, người Việt chúng ta quen với cách nói thiếu phụ âm, và đặc biệt là phụ âm cuối của từ, tức “âm cuối”; trong khi nó lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tiếng Anh.
Âm cuối trong tiếng Anh rất phong phú. Thực tế thì có bao nhiêu phụ âm trong tiếng Anh thì cũng sẽ có bấy nhiêu âm cuối. Để tiện theo dõi mình sẽ chia âm cuối thành 3 nhóm sau:
a. Các âm gió (đã được đề cập ở phần trên)
Đây là nhóm dễ phát âm nhất so với 2 nhóm còn lại, nhưng lại giúp bạn về cơ bản phát âm đúng 60% khi nói tiếng Anh. Cách luyện tập âm cuối hiệu quả nhất chính là ôn lại phần âm gió và kiểm tra lại việc đánh vần các từ có âm cuối (chẳng hạn: which, cheap, rest…) và cố gắng để bật thật rõ những âm này khi nói. Kết quả sẽ phụ thuộc 80% vào sự kiên trì của bạn và 20% còn lại là bạn phải có một người giỏi phát âm sửa lỗi cho.
b. Voiced consonants và other consonants.
Sau khi đạt mức cơ bản phát âm đúng tiếng Anh khi thành thạo các âm gió, bạn cần phát âm đúng 2 nhóm này để tạm gọi là “nói tiếng Anh hay”. Ví dụ các từ thuộc 2 nhóm này là: “dad”, “bag”, “sum”, “rung”, etc.
Trong các ví dụ trên các âm “d”, “g” và “ng” rất dễ lẫn với âm tiếng Việt tương ứng, và nó chỉ được phát âm khi nó ở vị trí ending sounds ,như trong “dad” hay “didn’t”.
Lưu ý là âm “d” trong tiếng Anh là một âm hoàn toàn mới chứ không hề giống âm “d” hay âm “đ” của tiếng Việt.
Do đó, một cách để bạn luyện nói tiếng Anh hiệu quả là luyện thật tốt các từ cơ bản có chứa các âm khó chứ không cần luyện quá nhiều từ hoặc những từ quá hiếm gặp.
c. Những trường hợp đặc biệt.
- “H” không bao giờ được phát âm (âm câm) khi ở vị trí âm cuối, thậm chí trong một số từ như hour, heir … chữ “h” dù đứng đầu nhưng vẫn trở thành âm câm.
- “L” bị thay đổi cách phát âm khi đứng ở cuối từ mà phía trước nó là một âm dài. Ví dụ “L” trong “leaf” khác với “L” trong “school”, vì ở “school” có sự xuất hiện của schwa trước khi kết thúc bằng “L”.
- “R” có thể được phát âm hoặc câm khi ở vị trí ending sounds. Nếu “r” là kết thúc của 1 từ đơn như “car” hay “four” thì nó sẽ không được phát âm, tuy nhiên nếu từ tiếp theo lại bắt đầu bằng 1 nguyên âm như trong câu “my car is blue” thì lúc này âm “r” sẽ được đọc nối với “is”.
Ngoài ra còn một số tổ hợp ending sound khó như trong “world”, “work” hay “girl” cần phải luyện tập nhiều mới thành thục
3. Nối âm
Khái niệm này đã được nhắc đến ở ví dụ về ending sounds với âm ‘r”.
Trong thực tế, người bản ngữ luôn nối âm bất cứ khi nào một từ kết thúc bằng một phụ âm và đi sau nó là một nguyên âm. Ví dụ như “depend on”, “tell us”, “world of”, “move on”.
Hiện tượng nối âm không chỉ gây khó khăn cho người Việt chúng ta khi cố gắng nói tiếng Anh cho chuẩn mà còn cả khi nghe. Để khắc phục chỉ còn cách bạn phải kiên nhẫn nghe thật nhiều và chú ý bắt chước cách người bản ngữ nối âm.
4. Ngữ điệu – Intonation
Dù tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu thanh điệu khi có tới 6 thanh sắc, nhưng người Việt lại hay mắc một lỗi khi nói tiếng Anh là cứ “ngang phè phè” chẳng có ngữ điệu lên xuống gì cả.
Kỳ thực thì việc ngữ điệu trong tiếng Anh cũng phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người nói, vì nó còn mang các yếu tố cảm xúc, thái độ.
Có người lên bổng xuống trầm như diễn viên hài Jim Carrey, có người lại cũng ngang ngang trầm trầm như Clint Eastwood. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều họ luôn có sự lên-xuống ngữ điệu khi nói.
Vì mang yếu tố chủ quan, nên không hề có một hệ thống intonation chuẩn để chúng ta luyện tập theo. Nhưng nó vẫn có những quy tắc cơ bản trong lối nói tiếng Anh hằng ngày của người bản xứ. Bao gồm:
- Lên cao ở cuối câu hỏi. (Ví dụ: What time is it?)
- Lên cao ở đầu câu cảm thán. (Ví dụ: What a beauty!)
- Hoặc câu vừa có ý hỏi vừa cảm thán sẽ lên cao những chỗ thế này: What the hell are you doing?
- Hạ giọng ở câu trả lời, câu trần thuật.
- Phát âm mạnh, rõ các động từ. trạng từ trong câu và lướt ở các trợ động từ, phụ từ.
Theo daihoctructuyen.edu.vn

No comments:

Post a Comment

Popular Posts