Với nhiều người, phim của Châu Tinh Trì sẽ không thể hay đến thế nếu thiếu đi chất giọng lồng tiếng "bá đạo" của nhóm hài Vân Sơn.
Bắt đầu từ thập niên 90 đến những năm đầu của thế kỷ 21, phim Châu Tinh Trì là cụm từ mà các khán giả vẫn dành để gọi các bộ phim hài của ngôi sao này làm mưa làm gió tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhiều năm trước, khi đời sống tinh thần còn chưa được phong phú và có nhiều sự lựa chọn như hiện nay, thì những cuốn phim bộ do TVB phát hành và những băng đĩa phim lẻ của “vua hài” họ Châu trở thành niềm yêu thích của nhà nhà.
Nếu như khán giả đã quá quen thuộc với giọng thuyết minh của Kim Tuyến trong phim Oshin, của Ngọc Thạch trong Bao Thanh Thiên, của nhóm Saigon Film trong những bộ phim truyền hình TVB, và tương tự, thì họ cũng mặc định rằng nhóm lồng tiếng Vân Sơn là của riêng các bộ phim Châu Tinh Trì. Nếu không có nhóm lồng tiếng này, chưa chắc Châu Tinh Trì có thể đến gần với khán giả Việt Nam như thế.
Gặp mặt các diễn viên lồng tiếng phim Châu Tinh Trì
Dù rất được khán giả yêu thích, thị trường đón nhận, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là vào thời hoàng kim của mình, phim Châu Tinh Trì đến Việt Nam đa phần bằng con đường băng đĩa lậu. Do đó, việc lồng tiếng cũng không được thực hiện bài bản như các cuốn phim bộ được kiểm duyệt. Phim của Châu Tinh Trì, với những tác phẩm quen thuộc như Hoàng tử bánh trứng, Tuyệt đỉnh Kungfu, Đội bóng Thiếu Lâm… đều được nhóm lồng tiếng của danh hài Vân Sơn thực hiện tại Mỹ, ban đầu chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, sau đó mới về tới Việt Nam.
Diễn viên hài Vân Sơn đã đưa kinh nghiệm diễn trên sân khấu hài vào việc lồng tiếng cho các nhân vật của Châu Tinh Trì. |
Nhóm lồng tiếng Vân Sơn được thành lập vào khoảng đầu những năm 90, chủ yếu lồng tiếng các bộ phim phục vụ kiều bào Việt Nam ở Mỹ. Trong đó, Vân Sơn, nghệ sĩ hài quen thuộc với khán giả trong và ngoài nước chính là người đảm nhận việc lồng tiếng cho danh hài Châu Tinh Trì. Đến nay, Vân Sơn đã “thay” Châu Tinh Trì nói tiếng Việt được hơn 10 năm, qua hàng loạt các vai diễn trong các bộ phim Tân Lộc đỉnh ký, Trường học Uy Long, Tây du ký… Chất giọng ấm nhưng rất hài hước, bắt nhịp được với diễn viên chính trong việc biểu lộ cảm xúc, đặc biệt là điệu cười rất ấn tượng của Vân Sơn giúp nhân vật của Châu Tinh Trì trong phim trở nên gần gũi và chân thật hơn rất nhiều. Kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu hài đã góp phần không nhỏ giúp nghệ sĩ Vân Sơn nhập vai Châu Tinh Trì một cách xuất sắc trong quá trình lồng tiếng.
Các giọng nữ trong phim Châu Tinh Trì do nghệ sĩ Lan Ngọc và Ngọc Nga thể hiện. |
Bên cạnh Vân Sơn, các giọng nữ trong nhóm lồng tiếng của hải ngoại như nghệ sĩ Lan Ngọc, Ngọc Nga… cũng gây ấn tượng với giọng nói chắc, khỏe. Diễn viên Huỳnh Long Giang “chuyên trị” lồng tiếng các tay xã hội đen, đại ca giang hồ…
Vì sao nhóm Vân Sơn được yêu thích?
Dù xét về chất giọng, nhóm lồng tiếng Vân Sơn – đa phần là những người Việt ở hải ngoại không thể nào ngọt và chuẩn, cách dịch thuật đôi khi cũng không thể nào chỉn chu bằng các nhóm lồng tiếng ở trong nước như nhóm San Yang, SG film… Đơn giản như SG film tuân thủ cách dịch dùng ngôn ngữ cổ như "huynh, muội, chàng, thiếp"… trong phim cổ trang, thì nhóm hải ngoại vẫn dùng cách xưng hô “anh, em”… nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, lời thoại này rất đồng điệu với phong cách Châu Tinh Trì, khiến các bộ phim được nhóm này lồng tiếng không chỉ được yêu thích ở nước ngoài, mà còn được khán giả Việt Nam nồng nhiệt đón nhận. Khán giả Việt Nam trong nước có thể khá kén chọn với những cuốn phim bộ của Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, thường lựa chọn phiên bản do FFVN phát hành, SG film, nhóm Đạt Phi, San Yang… lồng tiếng, nhưng riêng với Châu Tinh Trì, sẽ luôn là phiên bản của nhóm Vân Sơn.
Khi Châu Tinh Trì cướp ngân hàng. |
Giọng lồng và dịch thuật của nhóm Vân Sơn khá thích hợp với phong cách làm phim của Châu Tinh Trì. Các bộ phim của vị đạo diễn, diễn viên nổi tiếng này đại đa số là phim hài, thiên về tình huống và lời thoại. Nếu khán giả muốn tìm một bộ phim hài sâu sắc như kiểu hề Charles, hay thích những tác phẩm Tây du ký phải bám sát nguyên tác, thì họ hoàn toàn không nên thử chất nhảm của Châu Tinh Trì.
Nhóm Vân Sơn lồng tiếng cho phim Châu Tinh Trì - Nguyệt quang bảo hợp. |
Trong khi đó, trong quá trình dịch thuật và lồng tiếng, nhóm hài Vân Sơn đã có những biến tấu rất đồng điệu với nội dung, tiết tấu phim mà chưa có hãng nào làm được. Những câu thoại “đậm chất hải ngoại”, với những câu mở đầu như “ấy zà”(ấy zà sao lại như vậy hả???), “đó mà”, ”đó nha” (thiệt là buồn đó mà, đẹp quá đó nha…) luôn được nhấn mạnh, rất hợp với phong cách hài tếu táo của phim. Cách lồng tiếng của nhóm cùng cách làm phim của ngôi sao này đạt được sự cộng hưởng để tạo hiệu ứng cuối cùng khi đến với khán giả.
Do đó, khán giả ở khắp nơi, từ trong đến ngoài nước, từ miền Nam đến miền Bắc, đều yêu thích phim Châu Tinh Trì.
Q.N
Theo Infonet
Source : news[dot]zing[dot]vn
No comments:
Post a Comment